Việc cải tạo chung cư cũ đã và đang là một trong những ưu tiên hàng đầu để góp phần tái thiết đô thị. Tuy nhiên, hàng chục năm qua, việc cải tạo chung cư cũ vẫn “giậm chân tại chỗ” bởi doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do vướng mắc cơ chế thủ tục. Trước thực tế đó, doanh nghiệp đang cùng với Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đưa ra các kiến nghị để góp phần tháo gỡ những “nút thắt” này.
Tại sự kiện thường niên – “Hội nghị Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và gặp mặt Hội viên năm 2024” do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) tổ chức chiều 5/4, bà Tô Thị Hạnh, Ủy viên Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chia sẻ về các nút thắt lớn trong vấn đề cải tạo chung cư cũ.
Đối với vấn đề cải tạo chung cư cũ, trên cơ sở thực tiễn, bà Hạnh cho biết, doanh nghiệp của bà nhiều năm qua đã được thành phố giao cho thực hiện dự án thí điểm cải tạo chung cư cũ nhưng gặp vô vàn khó khăn.
“Có thể nói rằng, gần 20 năm qua làm về vấn đề cải tạo chung cư cũ, doanh nghiệp đã rất vất vả”, bà Hạnh chia sẻ.
Năm 2023, doanh nghiệp của bà Hạnh vinh dự được tham gia vào góp ý sửa đổi 3 luật: Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở. Doanh nghiệp đã tham gia sâu vào góp ý quy định liên quan đến vấn đề cải tạo chung cư cũ trên cơ sở thực tiễn.
“Dự thảo Luật Nhà ở ban đầu đưa 1 chương về cải tạo chung cư cũ nhưng rất sơ sài. Nếu như nội dung đó chính thức được ban hành thì 10 – 20 năm hoặc 30 năm nữa, kế hoạch cải tạo chung cư cũ cũng vẫn giậm chân tại chỗ”, bà Hạnh nhận định.
Theo bà Hạnh, là doanh nghiệp làm thực tiễn, bà nhận thấy, 20 năm qua, tiến độ cải tạo chung cư cũ trên cả nước vẫn rất chậm. so với kế hoạch đề ra chỉ đạt 1 – 2%, tỷ lệ này quá thấp, nhất là tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang gặp rất nhiều vướng mắc.
Việc cải tạo chung cư cũ thậm chí còn khó hơn phát triển nhà ở xã hội. Bởi hàng ngàn, hàng vạn người dân đã sống nhiều năm tại chung cư cũ đó buộc phải chuyển đi để giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, còn phải xây dựng một cơ chế như thế nào để người dân đồng thuận di dân.
“Một trong những nút thắt lớn khi triển khai cải tạo chung cư cũ là người dân luôn mong muốn một hệ số đền bù cao thì mới đồng thuận di dời. Còn doanh nghiệp cần xây dựng một cơ chế để giải quyết thu hồi nguồn vốn, lợi ích hài hoà thì lại vướng mắc quy hoạch dẫn đến hạn chế phát triển. Doanh nghiệp không được thoải mái xây dựng, không được đưa cư dân mới vào ở sau khi dự án được cải tạo. Như vậy, doanh nghiệp không thể đủ chi phí vốn để cải tạo. Hai nút thắt này khiến doanh nghiệp không thể cân đối trong việc thu hồi vốn, trong khi Nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong điều tiết những vấn đề này”, bà Tô Thị Hạnh nhận định.
Mặt khác, Nghị định 34 của Chính phủ còn nói về vai trò của Nhà nước trong cải tạo chung cư cũ. Còn đến Nghị định 69, Nghị định 101 do Bộ Xây dựng ban hành và kể cả quy định của Luật Nhà ở lại không cụ thể rõ vai trò của Nhà nước. Trong khi đó, cải tạo chung cư cũ là một loại hình đặc biệt, vai trò của Nhà nước, doanh nghiệp, Người dân cần được quy định trong luật sao cho hài hoà với nhau.
“Cải tạo chung cư cũ giống như triển khai một loại hình nhà ở xã hội đặc biệt, cần hài hòa lợi ích giữa các bên với vai trò dẫn dắt, cầm cân nảy mực của Nhà nước để tạo cơ chế ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân. Vậy nhưng Luật Nhà ở vừa ban hành chưa quy định rõ, Nghị định 69 và 101 cũng vậy. Tức là doanh nghiệp và người dân tự thoả thuận với nhau nhưng hai lợi ích của hai đối tượng này sẽ không bao giờ gặp nhau mà luôn luôn song song. Như vậy thì muôn thuở sẽ không thực hiện được việc cải tạo chung cư cũ”, bà Hạnh trải lòng.
Hiện nay, doanh nghiệp của bà Hạnh đang tham gia cùng Hiệp hội góp ý về Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, doanh nghiệp đang kiến nghị rất nhiều vấn đề cụ thể gắn với thực tiễn.
“Chúng tôi sẽ cùng Hiệp hội tiếp tục tham gia sâu sắc hơn để xây dựng Nghị định cùng Bộ Xây dựng trong việc cải tạo các chung cư cũ”, bà Hạnh cho hay.
Ý kiến bạn đọc (0)