Sau “cơn lên đồng” của vàng miếng SJC và chững lại khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ bỏ độc quyền, đến lượt vàng nhẫn vào cơn “sốt”, giá tăng mạnh, phá vỡ các kỷ lục đã lập trước đó.
Sóng vàng nhẫn liên tục tăng
Khi giá vàng nhẫn ngày 8/4 lên hơn 75 triệu đồng/lượng, trên các con phố vàng ở Hà Nội lại tái diễn cảnh người dân xếp hàng mua bán. Từ đầu năm nay, cảnh người dân mua bán liên tục xảy ra mỗi khi giá vàng biến động, tăng cao.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố sẽ bỏ độc quyền vàng miếng SJC, nhiều người chuyển từ mua bán vàng miếng sang vàng nhẫn. Điều này khiến nhu cầu vàng nhẫn tăng mạnh và giá liên tục lập đỉnh.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, tại các cửa hàng vàng bạc trên Phố Trần Nhân Tông (Hai Bà Trưng, Hà Nội) lượng người đi mua bán đông. Thậm chí, người dân phải chen chúc, xếp hàng xuyên trưa và đợi cả tiếng mới đến lượt.
Chị Minh Châu (ở Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Từ hôm qua, tôi thấy vàng nhẫn lên 74 triệu đồng/lượng rất sốt ruột. Do buổi sáng tôi bận nên trưa mới ra cửa hàng mua. Khi đó giá vàng đã tăng thêm gần 1 triệu đồng/lượng. Giá vàng tăng nhanh quá tôi cũng rất ngỡ ngàng”.
Theo đại diện 1 cửa hàng vàng trên phố Trần Nhân Tông, do lượng người mua vàng tăng đột biến nên cửa hàng chưa chuẩn bị nguồn cung vàng kịp. Theo đó, người mua từ 1 cây vàng trở lên sau 1 tuần mới lấy được vàng.
Giải mã “cơn sốt” vàng kéo dài
Cách đây gần 2 tháng vào ngày vía Thần Tài (ngày 19/2 dương lịch tức mùng 10 tháng Giêng), giá bán vàng nhẫn trong nước quanh mốc 65 triệu đồng/lượng.Tính từ mốc giá này, đến nay, giá vàng nhẫn trong nước đã tăng tới hơn 10 triệu đồng/lượng, tương đương mức tăng hơn 14%.
Bất chấp chênh lệch giá mua – bán mặt hàng này được các doanh nghiệp đưa ra ở mức gần 1,5 triệu đồng/lượng, đà tăng của giá vàng nhẫn vẫn giúp người mua lãi hơn 8 triệu đồng/lượng, tương đương lợi suất 12% sau chưa đầy 2 tháng.
Còn nếu tính từ đầu năm tới nay, mỗi lượng vàng nhẫn trơn tăng hơn 12 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 19%. Trong khi đó, vàng miếng SJC từ đầu năm đến nay chỉ tăng hơn 4 triệu đồng/lượng.
Ông Huỳnh Trung Khánh, chuyên gia Hội đồng vàng Thế giới lý giải, giá vàng nhẫn tăng vọt do nhu cầu vàng nhẫn trong dân cao và nguồn cung hiện nay vẫn thiếu do doanh nghiệp không được phép nhập khẩu vàng.
Bên cạnh đó, việc cơ quan chức năng đẩy mạnh triệt phá các đường dây mua bán vàng lậu dẫn đến nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường trở nên khan hơn.
Theo các chuyên gia, hiện, người dân đang có xu hướng bán vàng miếng SJC để chuyển qua vàng nhẫn vì lo ngại Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp bất kỳ lúc nào. Hiện tại, giá vàng miếng SJC cao hơn giá vàng thế giới hơn 11 triệu đồng/lượng và vàng nhẫn cao hơn khoảng 4 triệu đồng/lượng.
Nửa cuối năm ngoái, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép 3 doanh nghiệp hàng đầu là SJC, DOJI, PNJ , mỗi đơn vị nhập khẩu 500 kg vàng để chế tác nữ trang. Nhưng tới nay, kiến nghị này vẫn chưa được chấp thuận.
Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa chính thức công bố đề xuất xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định, bảo đảm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công cụ quản lý nhà nước đối với thị trường vàng , phát triển thị trường minh bạch, lành mạnh, hiệu quả và bền vững. Trước đó, Chính phủ liên tục có những công văn, cũng như các cuộc họp liên quan đến nghị định này.
Thực tế, những bất cập trên thị trường vàng không phải đến nay mới được đặt ra. Năm 2017, Ngân hàng Nhà nước được Chính phủ giao nhiệm vụ “quản lý hiệu quả thị trường vàng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ Đề án chống vàng hóa, trong đó các giải pháp cần có lộ trình triển khai phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, nghiên cứu có lộ trình, giải pháp huy động và sử dụng vào sản xuất kinh doanh nguồn lực vàng”.
Tại tờ trình sửa đổi Nghị định 24 lúc bấy giờ, Ngân hàng Nhà nước cho rằng: “Việc quản lý thị trường vàng trong nước thời gian tới sẽ tập trung vào mục tiêu ổn định bền vững thị trường vàng, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thoát ly tác động của giá vàng đến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối và ổn định kinh tế vĩ mô”.
Ý kiến bạn đọc (0)