Thị trường đất nền Mê Linh (Hà Nội) đón nhận những tín hiệu tích cực, sôi động ngay từ những ngày đầu năm trong bối cảnh hàng loạt cuộc đấu giá đất được tổ chức. Theo đó, giá đất nhiều khu vực của huyện này cũng thiết lập kỷ lục mới. Trong đó, có lô đạt hơn 50 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm.
Hàng loạt cuộc đấu giá, thiết lập đỉnh giá đất mới
Chỉ trong vài tháng qua, huyện Mê Linh đã trở thành một điểm nóng trên thị trường bất động sản Hà Nội khi nhiều cuộc đấu giá đất liên tiếp được tổ chức với hàng trăm hồ sơ tham dự, mức giá trúng cũng tăng cao.
Theo thông tin mới công bố, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức đấu giá thành công quyền sử dụng đất đối với 30 thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh và khu Quán Chợ thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc thu về ngân sách hơn 130 tỷ đồng.
Theo đó, 4 thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh có diện tích từ 125 – 129m2, giá khởi điểm từ 26 – 27 triệu đồng/m2; 26 thửa đất đấu giá tại khu Quán Chợ, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc có diện tích từ 100 – 143 m2; giá khởi điểm từ 19 – 22,5 triệu đồng/m2.
Kết quả, các lô đất được đấu giá thành công với mức giá trúng giao động từ 20,6 – 50,5 triệu đồng/m2. Trong đó, có lô đạt hơn 50 triệu đồng/m2, cao gần gấp đôi giá khởi điểm. Tổng số tiền trúng đấu giá trên 130 tỷ đồng, cao hơn 60 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Trước đó, vào hồi cuối tháng 1/2024, huyện cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với 47 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh (đợt 2) thu về ngân sách hơn 136 tỷ đồng. Theo đó, các thửa đất có diện tích từ 90m2 – 123,70m2; giá khởi điểm từ 20,4 triệu – 31,9 triệu/m2.
Kết quả, sau gần 3 giờ đấu giá công khai, minh bạch đã có 47 thửa đất được đấu giá thành công với mức giá dao động từ 20,6 – 56,1 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 136 tỷ đồng, chênh hơn 23 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Còn vào cuối tháng 12 năm ngoái, huyện cũng đã tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất đối với 46 thửa đất tại thôn Chu Trần, xã Tiến Thịnh thu về ngân sách hơn 150 tỷ đồng. Theo đó, các thửa đất có diện tích từ 83,7 – 297,1m2; giá khởi điểm từ 23,2 – 31,9 triệu đồng/m2.
Kết quả, có 46 thửa đất được đấu giá thành công với mức giá dao động từ 23,4 – 47,6 triệu đồng/m2. Tổng số tiền trúng đấu giá thu về trên 150 tỷ đồng, chênh hơn 25 tỷ đồng so với giá khởi điểm.
Ông Đinh Ngọc Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh cho biết: “Trong năm 2024, huyện Mê Linh dự kiến đưa ra đấu giá khoảng 500 thửa đất trên địa bàn các xã, thị trấn. Đây là các khu đất nằm ở vị trí đẹp, đón đầu dự án Vành đai 4. Hiện tại, đơn vị phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh đấu giá Việt Nam vừa ra thông báo phát hành, bán và tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất (đợt 4) 25 thửa đất tại thôn Bạch Đa, xã Kim Hoa. Các thửa đất có diện tích từ 100 – 159 m2; giá khởi điểm từ 24,7 – 32,8 triệu đồng/m2.
Giá đất thổ cư khu vực xung quanh cũng đẩy lên cao
Một khảo sát đầu tháng 4 của phóng viên RealHub cho thấy, giá rao bán đất Mê Linh sau những cuộc đấu giá trên có xu hướng tăng so với thời điểm cuối tháng 12/2023. Rất nhiều mảnh đất thổ cư của người dân được mua đi bán lại, không có hiện tượng sốt nóng như giai đoạn trước đây nhưng mức giá liên tục bị đẩy lên cao.
Khảo sát một số xã như Tiền Phong, xã Mê Linh, thị trấn Quang Minh… giá đất thổ cư dao động từ 25 – 38 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí. Đơn cử, ở xã Tiền Phong, mảnh đất thổ cư nằm ở mặt đường rộng khoảng 4m trong làng giá 25 triệu đồng/m2, tăng so với cuối năm 2023. Đáng chú ý, có mảnh đất thổ cư 70m2 ở khu vực giáp khu đô thị Cienco 5 cũng đang được người dân rao bán giá 32 triệu đồng/m2
Khảo sát một số xã như Tiền Phong, xã Mê Linh, thị trấn Quang Minh… giá đất thổ cư dao động từ 25 – 38 triệu đồng/m2, tùy từng vị trí.
Tại thị trấn Quang Minh, chủ nhân mảnh đất 90m2 ở tổ 10, thị trấn Quang Minh, đường vào rộng 4m cũng đang có nhu cầu bán với giá 36,5 triệu đồng/m2.
Anh Phạm Hải Đăng, một người dân đang rao bán một mảnh đất 60m2, ngõ vào rộng 2,8m của gia đình ở tổ 6 Gia Trung, thị trấn Quang Minh. Mức giá anh Đăng đưa ra là 28 triệu đồng/m2, năm ngoái mảnh đất tương tự nhà anh chỉ có giá 24 triệu đồng/m2.
Theo chia sẻ của anh Đăng, tại khu vực thị trấn Quang Minh, từ đầu năm đến nay, đất thổ cư nhiều người cũng hỏi mua. Số lượng người hỏi mua này là người dân địa phương với mục đích xây nhà, an cư hoặc mua mở cửa hàng kinh doanh. Họ không chọn đất dự án vì đất dự án giá cao hơn hẳn đất trong dân. Tuy nhiên, đất trong dân giờ cũng không còn giá thấp như vài năm trước mà cũng được tăng giá theo hạ tầng. Đơn cử, đất thổ cư mặt đường rộng khoảng 2m vào năm 2015 – 2018 giá chỉ khoảng 10 – 12 triệu đồng/m2, nay đã tăng trên 20 triệu đồng/m2.
“Các giao dịch đất đai không sôi nổi như trước đây bởi hầu như người mua là nhu cầu thực. Người dân bán đất thổ cư cũng đa số là người chính chủ, là người địa phương, không thông qua môi giới. Các mảnh đất thường nằm trong khu dân cư, mức giá 25 – 30 triệu đồng/m2 là hấp dẫn nhất, được hỏi mua nhiều nhất”, anh Đăng chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Văn Thành, nhân viên sàn giao dịch tại Mê Linh cho biết, hiện tại đất thổ cư tại một số xã như Kim Hoa, Thanh Lâm, Tam Đồng có giá bán dao động từ 25 – 33 triệu đồng/m2; Nhà phố dự án sẽ có giá bán từ 40 – 50 triệu đồng/m2. Giá đất ở một số nơi như khu đô thị Hà Phong hay Cienco 5 ăn theo dự án vành đai 4 hiện dao động 45 – 55 triệu đồng/m2.
Theo anh Thành, một số dự án khu vực có hạ tầng đời sống tốt hơn, hướng tiếp cận trung tâm thuận lợi hơn thì vẫn luôn nhận được sự quan tâm, tìm kiếm từ người mua. Nhất là các lô đất gần nhiều khu công nghiệp, nhiều tuyến đường có sức hút và giá liên tục tăng cao so với các lô đất khác không có điều kiện hạ tầng hỗ trợ. Nhìn chung, nhiều khu vực hạ tầng ở Mê Linh hiện vẫn khá sơ sài, tốc độ phát triển của cư dân cũng chưa mạnh nên anh Thành cho rằng, giá đất Mê Linh có tăng cao cũng không thể đạt đỉnh như một số khu vực khác của quận huyện Hà Nội.
“Giá đất ở Mê Linh có đẩy lên cao nhưng cũng chỉ thì tùy vị trí từng xã chứ không phải là tình trạng tăng sốt nóng do nhà đầu cơ “thổi” như vài năm trước. Một số nhà trước đây có tiền mua đất lúc rẻ, giờ thấy tăng chút lại bán, cứ thế người mua sau lại phải bán giá cao hơn lúc mua nên giá đất tự tăng cao lên. Còn nhìn chung, thị trường Mê Linh cũng nằm trong diễn biến chung của thị trường, của kinh tế và tâm lý chờ Luật mới có hiệu lực”, anh Thành chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc (0)