Người dân khốn khổ vì “thiếu nước, thiếu điện”
Thời gian qua, nhiều nhà đầu tư tại dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (tên thương mại là Nhơn Hội New City) nhiều lần gửi đơn cầu cứu, gửi Thanh tra Chính Phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên – Môi Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định và các sở ngành liên quan.
Theo các nhà đầu tư, hưởng ứng kêu gọi của tỉnh Bình Định về việc thúc đẩy phát triển kinh tế khu kinh tế Nhơn Hội, trong thời gian từ 2019-2020, nhiều khách hàng đã mua đất phân lô tại phân khu 2, 4, 9 do Công ty Phát triển Bất động sản Phát Đạt thực hiện dự án. Với lợi thế gần các khu du lịch, hạ tầng kết nối thông suốt, khách hàng mong muốn được đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển khu kinh tế Nhơn Hội nói riêng và tỉnh Bình Định nói chung.
Dự án sau nhiều năm triển khai hiện đã bàn giao sổ tại một số phân khu cho khách hàng. Tuy nhiên, nhiều bất cập tại dự án gây khốn khổ cho người mua như thiếu hầu hết các cơ sở hạ tầng cơ bản để có thể sinh sống.
Cụ thể, theo phản ánh của một số cư dân, đường sá kết nối vào dự án không được đầu tư đồng bộ, không có người hỗ trợ tu bổ, các đoạn đường xuống cấp, sập lún nghiêm trọng nhưng không có người đến khắc phục. Cây xanh tại dự án sau thời gian trồng không được ai chăm sóc đã chết khô toàn bộ, thiếu nước, thiếu điện, người dân không dám đến xây nhà vì lo không đủ điều kiện đầy đủ để sinh sống. Đặc biệt, một số khu vực chưa hoàn thiện hạ tầng theo quyết định phê duyệt 1/500 của dự án nhưng đã được chuyển nhượng, sang tên cho các cá nhân.
“Khi tôi mua dự án hứa hẹn đủ điều, nào là khu đô thị mới ở Bình Định, là thành phố mới sôi động và nhiều tiện ích phục vụ cư dân sinh sống nhưng giờ là bãi đất trống hoang tàn, tiêu điều xác xơ không một bóng người nào dám đến đây ở. Ban ngày thì không có cây xanh cháy da, ban đêm thì tối om tối mù.
Chúng tôi yêu cầu Phát Đạt phải có trách nhiệm hoàn thiện điện nước đầy đủ cả 3 phân khu. Vì hiện nay ai muốn xây nhà thì phải tự kéo điện từ cột này qua cột và kéo nước rất cực khổ. Các con đường lớn trong các phân khu cũng không có đèn đường, không có công viên mặc dù quảng cáo là có công viên hiện đại bậc nhất, không khác gì sa mạc thì làm sao mà con người có thể sinh sống”, một người dân bức xúc.
Ngoài ra, người dân cũng cho biết, việc họ mua dự án là vì tin tưởng có chủ đầu tư Phát Đạt. Họ tìm hiểu và có nhiều thông tin quảng bá rằng Phát Đạt là chủ đầu tư uy tín với nhiều dự án đẳng cấp ở TP.HCM và các địa phương. Ngoài ra, cư dân tin rằng đây là dự án tỉnh Bình Định đã tạo điều kiện để doanh nghiệp thực hiện dự án và cải trang cho bộ mặt của tỉnh, nên đã tin tưởng đầu tư vào.
“Chúng tôi yêu cầu Phát Đạt và chính quyền tỉnh Bình Định cần phải có trách nhiệm với người dân đã tin mua dự án. Phát Đạt hiện đã bán dự án lại cho Danh Khôi, nhưng trách nhiệm hoàn thiện hạ tầng thì vẫn là trách nhiệm của chủ đầu tư không thể chối bỏ. Chúng tôi sẽ kiên quyết đòi quyền lợi cho tới cùng, không thể mang con bỏ chợ như vậy được”, một nhà đầu tư khác chia sẻ thêm.
Sai từ quy trình cấp sổ
Về việc cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, ngày 25/2/2020, UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định số 847/QĐ-UBND về việc cho thực hiện quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở tại dự án Đầu tư phát triển đô thị tại phân khu số 2 thuộc Khu du lịch sinh thái Nhơn Hội.
Theo đó, UBND tỉnh đồng ý cho chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho 1.654 lô đất tại phân khu số 2 và quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 12/5/2020 cho phép chuyển nhượng 2.055 lô đất tại phân khu số 9.
Theo phân tích của luật sư, dự án Nhơn Hội New City tính đến này đã gần như cấp sổ xong cho các phân khu, một số sản phẩm do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên vẫn còn chậm lại. Song quy trình cấp sổ này là sai, bởi dự án bắt buộc phải hoàn thiện về hạ tầng, sau đó Sở xây dựng tỉnh Bình Định phải tiến hành nghiệm thu hạ tầng, rồi đến bước cấp sổ.
“Cuối năm 2019, dự án đã rầm rộ được cấp giấy chứng nhận nhưng nhiều hạng mục hạ tầng của dự án chưa hoàn thành (công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội; kết nối với khu vực; dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải). Đây là việc cấp giấy chứng nhận sai quy định Điều 72 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (đã được sửa đổi tại Nghị định 10/2023/NĐ-CP) thì chỉ sau hoàn thành công trình, chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường. Do đó, UBND tỉnh Bình Định cần xem xét căn cứ theo điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013 tổ chức tiến hành”, Luật sư phân tích.
Cũng theo Luật sư, chính vì việc cấp giấy chứng nhận nhưng chưa đủ điều kiện được cấp đã dẫn đến hậu quả là chủ đầu tư không hoàn thành hạ tầng dự án, không bàn giao cho cơ quan nhà nước quản lý hạ tầng mà những khách hàng đã phải nộp đủ 100% tiền cho chủ đầu tư nhưng không thể xây dựng, không thể ở được. Chủ đầu tư sau khi xin được cấp giấy chứng nhận trái pháp luật thì đã bỏ mặc cho khách hàng của mình.
Về kiểm tra thực hiện dự án, Luật sự cũng phân tích, UBND tỉnh Bình Định cần xem xét kiểm tra tiến độ thực hiện dự án. Trong trường hợp chủ đầu tư chỉ làm để thu tiền khách hàng nhưng lại không hoàn thành hạ tầng thiết yếu dân sinh của dự án thì cần có phương án thu hồi giấy chứng nhận đã cấp sai quy định đối với các lô đất chưa chuyển nhượng.
Đồng thời, xử phạt theo điểm đ khoản 4 Điều 58 Nghị định 16/2022/NĐ-CP ngày 28/01/2022 Quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng bàn giao nhà, công trình xây dựng cho khách hàng khi chưa hoàn thành đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng và các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo tiến độ ghi trong dự án đã được phê duyệt, chưa bảo đảm kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực, chưa hoàn thiện toàn bộ phần mặt ngoài (đối với trường hợp bàn giao nhà, công trình xây dựng thô) hoặc chưa hoàn thành nghiệm thu hoặc chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của cơ quan có thẩm quyền đưa công trình nhà ở, công trình hạ tầng xã hội vào sử dụng theo quy định”.
Trong trường hợp đã xử phạt xong, đối với khách hàng đã nhận chuyển nhượng chủ đầu tư cũng cần phải có trách nhiệm xem xét đến nhu cầu của khách hàng, hoàn tiền cho khách hàng đã mua nhằm đảm bảo các quyền lợi của họ.
Đi ngược với quy định hiện hành
Mới đây, tại văn bản số 725/BQL-QLQHXD, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cũng cho rằng, khách hàng dự án Nhơn Hội New City xây nhà 15% thì chủ đầu tư mới làm hạ tầng xã hội. Trong khi đó, quy định hiện hành dự án phải hoàn thiện hạ tầng xã hội mới được phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân xây dựng nhà ở.
Liên quan đến Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội (tên thương mại là Nhơn Hội New City), năm 2019 và 2020, UBND tỉnh Bình Định lần lượt ra các quyết định về việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng, để người dân tự xây dựng nhà ở, đối với các dự án Đầu tư phát triển đô thị tại Phân khu số 4, Phân khu số 2 và Phân khu số 9. Cụ thể là các Quyết định: Quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 27/6/2019, Quyết định số 574/QĐ-UBND ngày 25/02/2020 và Quyết định số 1773/QĐ-UBND ngày 12/5/2020.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, tại thời điểm Ban Quản lý báo cáo, đề xuất, trình UBND tỉnh chấp thuận việc thực hiện chuyển quyền sử dụng đất đã đầu tư xây dựng hạ tầng cho người dân tự xây dựng nhà ở, Ban Quản lý đã phối hợp với Sở Xây dựng, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt kiểm tra tiến độ thi công xây dựng tại hiện trường, xác nhận việc xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của dự án cơ bản hoàn thành theo quy hoạch được duyệt, đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực.
“Đối với việc đầu tư xây dựng các công trình công cộng, hạ tầng xã hội phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân sẽ được chủ đầu tư triển khai đồng bộ theo tiến độ phù hợp với các công trình nhà ở, khi dân cư sinh sống tại dự án đạt khoảng 15%. Trong trường hợp dân cư sinh sống tại dự án thấp hơn 15%, thì có thể sử dụng các tiện ích xã hội tại các địa phương lân cận như: xã Nhơn Hội, Nhơn Lý, Thị trấn Cát Tiến (khoảng cách trung bình từ dự án đến các địa phương khoảng 2,5km)”, Ban Quản lý Khu kinh tế nêu rõ.
Ban Quản lý Khu kinh tế cũng nói rằng, đến ngày 25/5/2023, mặc dù thiết kế các mẫu nhà đối với các lô đất được thực hiện chuyển sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở đã được Ban Quản lý Khu kinh tế ban hành, công khai trên các phương tiện thông tin, nhưng chưa có hộ dân nào có nhu cầu nộp hồ sơ xin phép xây dựng nhà ở và triển khai xây dựng tại hiện trường.