Ngành du lịch chuẩn bị tất bật vào mùa, theo đó đây cũng là cơ hội để bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi, gia tăng tỷ lệ lấp đầy. Bên cạnh đó, cơ hội cho nhà đầu tư có tiền nhàn rỗi khi nhiều sản phẩm nghỉ dưỡng đang cắt lỗ tới 50%.
Ngành du lịch chuẩn bị tất bật vào mùa, theo đó đây cũng là cơ hội để bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi, gia tăng tỷ lệ lấp đầy. Ảnh minh hoạ.
Chờ cú huých từ ngành du lịch
“Du lịch đi trước, bất động sản nghỉ dưỡng theo sau” đang là câu nói được nhiều nhà đầu tư chia sẻ khi nhận định về cơ hội phục hồi của phân khúc này trong năm 2024. Sự tăng trưởng của ngành du lịch đã tác động rõ rệt đến phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng.
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu hoạt động dịch vụ, du lịch quý I năm nay tăng cao nhờ sự đóng góp tích cực của ngành du lịch. Du lịch được phục hồi mạnh mẽ, số lượng khách du lịch nội địa và quốc tế liên tục tăng cao. Khách quốc tế đến Việt Nam từ đầu năm nay đạt hơn 1,5 triệu lượt người/tháng; tính chung quý I/2024 đạt hơn 4,6 triệu lượt người, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023. Lượng khách quốc tế đến Việt Nam gần như phục hồi hoàn toàn và thậm chí tăng 3,2% so với quý I/2019 – năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Khách nội địa quý I/2024 ước đạt 30 triệu lượt, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách tham quan trong ngày đạt 17,1 triệu lượt, tăng 27,6% và gấp 1,4 lần cùng kỳ năm 2019; khách lưu trú đạt 12,9 triệu lượt, giảm 8,5% và tăng 2,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 195 nghìn tỷ đồng. Kết quả tích cực này phản ánh hiệu quả của các chính sách thị thực thuận lợi, các chương trình kích cầu du lịch và sự nỗ lực của các địa phương và doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành.
Sự trở mình của bất động sản nghỉ dưỡng
Mặc dù chưa phục hồi như kỳ vọng, bất động sản nghỉ dưỡng đã có những biểu hiện tích cực. Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2024 của DKRA Group, loại hình biệt thự nghỉ dưỡng ghi nhận 59 dự án với 2.123 căn, tập trung ở miền Trung và miền Nam, chiếm 82% tổng nguồn cung cả nước. Loại hình condotel ghi nhận nguồn cung tăng nhẹ 6% so với cùng kỳ. Điều này cho thấy bất động sản du lịch nghỉ dưỡng bắt đầu có nguồn cung mới, dù còn ít.
Đáng chú ý, dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5 tới đây sẽ khởi động mùa du lịch nội địa lớn nhất trong năm, là cơ hội giúp gia tăng tỷ lệ lấp đầy và thu dịch vụ nghỉ dưỡng.
Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels, cho biết nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng đang lên kế hoạch tái khởi động. Thời gian qua, họ nhận nhiều yêu cầu tư vấn nghiên cứu hay chọn đơn vị điều hành khách sạn. Một số dự án bị trì hoãn hoặc triển khai dở dang cũng trong quá trình chuyển giao cho chủ đầu tư mới, thúc đẩy thị trường mua bán, sáp nhập.
Trong số các thị trường ven biển, Đà Nẵng đang dẫn đầu về tốc độ phục hồi nhờ cải thiện tần suất các chuyến bay quốc tế và sự gia tăng của nhóm khách Hàn Quốc. Nha Trang – Cam Ranh còn gặp nhiều thách thức do phụ thuộc vào nguồn khách Trung Quốc.
Theo ông Mauro, điều quan trọng nhất với sản phẩm nghỉ dưỡng là đem đến trải nghiệm cho khách hàng. Thời điểm này, các chủ đầu tư cần điều chỉnh mô hình kinh doanh, chú trọng phát triển bền vững để truyền tải tốt nhất tinh thần ngành nghỉ dưỡng.
Giao dịch bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tăng khoảng 30%, có nên đầu tư giai đoạn này?
Trong báo cáo mới đây, Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng năm nay có thể cải thiện 20% so với năm ngoái, trong đó loại hình căn hộ biển tại các dự án lớn sẽ chiếm ít nhất 60% thị phần.
Về giá bán, VARS dự báo cả thị trường sơ cấp và thứ cấp sẽ có xu hướng cải thiện nhẹ. Tại thị trường thứ cấp, giá bán sản phẩm căn hộ du lịch có mức giá xung quanh 50 triệu đồng/m2 sẽ đi ngang, thậm chí tăng nhẹ tại một số thị trường có tỷ lệ lấp đầy phòng cao. Tuy nhiên, quản lý vận hành vẫn là điểm mấu chốt được người mua và nhà đầu tư quan tâm.
Về dài hạn, giao dịch có xu hướng tăng nhưng còn xa so với trước dịch. Dự kiến lượng giao dịch sẽ tăng khoảng 30% so với năm 2023. Thị trường sẽ đạt kết quả ấn tượng nếu nhận được cú huých mạnh từ ngành du lịch.
Theo khảo sát thực tế, thông tin rao bán cắt lỗ biệt thự, căn hộ khách sạn diễn ra nhiều, mức độ “cắt lỗ” dao động từ 30 – 50%.
Vậy có nên đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng lúc này để đón đầu cơ hội phục hồi? Nhất là khi nhiều sản phẩm đang được cắt lỗ, giảm giá mạnh?
Anh Nguyễn Đức Quỳnh, nhân viên môi giới của Cenland, nhận định hiện tại thị trường vẫn tập trung vào các phân khúc bất động sản nhà ở, khu công nghiệp, văn phòng… Bất động sản nghỉ dưỡng tại thành phố lớn, có sở hữu lâu dài, cũng ghi nhận tín hiệu giao dịch khả thi. Tuy nhiên, để bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi hoàn toàn cần thêm thời gian.
Anh Quỳnh cho biết thêm, các thành phố như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang sẽ có cơ hội phục hồi bất động sản nghỉ dưỡng sớm nhất. Các khu vực như Quy Nhơn, Bình Thuận, Ninh Thuận sẽ cần thời gian hơn.
Nếu có tiền nhàn rỗi, bạn vẫn có thể đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng nếu sản phẩm đáp ứng nhu cầu ở hoặc kinh doanh cho thuê, vị trí trung tâm của khu du lịch. Tuy nhiên, nếu có ý định lướt sóng hoặc dùng đòn bẩy tài chính, bạn nên cân nhắc kỹ vì có thể rủi ro tài chính cao.
Theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, loại hình bất động sản đều có tiềm năng tùy thuộc vào thời điểm và chính sách tác động. Nếu đã tích lũy đủ tiền, bạn có thể mua các sản phẩm phù hợp với nhu cầu ở, đầu tư hay tích lũy tài sản mà không cần chờ giá “đáy”.
Với bất động sản nghỉ dưỡng, bạn cần cân nhắc lượng khách du lịch đến vùng đó lớn hay không để đánh giá tiềm năng khai thác du lịch, nghỉ dưỡng.
Kết luận
Bài viết đã phân tích sự khởi sắc của ngành du lịch và những tín hiệu phục hồi của bất động sản nghỉ dưỡng. Dù còn nhiều thách thức, đây là thời điểm nhà đầu tư nên cân nhắc khi thị trường đang có nhiều cơ hội từ việc cắt lỗ sản phẩm nghỉ dưỡng. Hãy để lại bình luận, chia sẻ ý kiến của bạn về bài viết hoặc khám phá thêm các bài viết khác trên Realhub.
Ý kiến bạn đọc (0)