Nhân phiên tòa xét xử vụ án “lừa đảo”, “rửa tiền” xảy ra tại Công ty Địa ốc Alibaba sắp diễn ra, cùng nhìn lại tổng thể qua trình lừa đảo, rửa tiền đối với hai bị can chính (2 anh em ruột) Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh.
Ngày 18/9/2019, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Tổng giám đốc Công ty Alibaba và bắt khẩn cấp Chủ tịch HĐQT công ty này để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc điều hành Công ty Alibaba), Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng giám đốc Công ty Alibaba, em ruột Luyện) và 20 bị cáo bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hai bị cáo Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và Nguyễn Thái Lực (em trai Luyện) bị đưa ra xét xử thêm về tội “Rửa tiền”. Riêng bị cáo Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty địa ốc Alibaba) bị đưa ra xét xử về tội “Rửa tiền”.
Xem thêm: Hơn 5.700 người bị địa ốc Alibaba lừa mua dự án ‘ma’
Khởi nguồn từ công ty gia đình
Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba ban đầu có trụ sở chính tại đường Điện Biên Phủ (phường 15, quận Bình Thạnh, TP.HCM), sau này dời về đường Kha Vạn Cân (TP.Thủ Đức).
Ba anh em ruột Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực cùng chung Công ty Địa ốc Alibaba. Ảnh: DV
Công ty Địa ốc Alibaba có 3 cổ đông gồm Nguyễn Thái Lĩnh – Giám đốc kiêm đại diện pháp luật, góp 10% vốn; bà Võ Thị Thanh Mai, góp 10% vốn điều lệ và Nguyễn Thái Luyện – Chủ tịch Hội đồng quản trị. Khi vừa thành lập, công ty có vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến tháng 12/2016, công ty này tăng vốn lên 20 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong năm 2017, Nguyễn Thái Luyện tuyên bố công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.600 tỷ đồng.
Nguyễn Thái Luyện và Nguyễn Thái Lĩnh là hai anh em ruột. Luyện sinh năm 1985, quê gốc ở Gia Lai, vốn xuất thân là một môi giới bất động sản ở TP.HCM. Khi ra mở công ty riêng là Alibaba, Luyện đã rủ người em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh về làm cùng. Không những vậy, Nguyễn Thái Lực – một người em của Luyện cũng gia nhập công ty với vai trò thu mua đất nông nghiệp, rồi lập dự án ma bán cho khách hàng.
Địa ốc Alibaba cũng là doanh nghiệp có mô hình hoạt động gần giống các công ty đa cấp. Các nhân viên tham gia công ty theo hình thức góp vốn. Nhân viên công ty tích cực quảng bá hình ảnh, bán hàng dự án với nhiều cam kết “trên trời” để huy động vốn. Vì quyền lợi nên khi xảy ra sự cố pháp lý, các nhân viên này vẫn “sống chết” bảo vệ chủ tịch và các đội ngũ lãnh đạo của công ty vì có quyền lợi trong đó.
Theo kết quả điều tra ban đầu của Bộ Công an, Giám đốc Nguyễn Thái Lĩnh và đồng phạm đã thành lập Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, tự vẽ các dự án không có thật tại một số tỉnh phía Nam chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép cho làm dự án… nhưng đã huy động tiền của hàng nghìn khách hàng để chiếm đoạt.
Quá trình xác minh cho thấy trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Công ty Alibaba rao bán nền của 29 dự án. Trong đó, tại huyện Long Thành có 27 dự án, bao gồm 21 dự án ở xã Long Phước; 3 dự án ở xã Phước Thái; 3 dự án ở 3 xã Bàu Cạn, Tân Hiệp, An Phước. Hai dự án còn lại nằm ở xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch và xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc.
Nguyễn Thái Luyện chiếm đoạt tiền của khách hàng như thế nào?
Theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện đã thành lập 22 công ty trực thuộc Công ty Địa ốc Alibaba, hoạt động ở các lĩnh vực: Bất động sản, truyền thông, vận tải… Luyện đã giao người thân trong gia đình, thân tín của mình làm người đại diện theo pháp luật và tổ chức mua một số lượng lớn đất nông nghiệp.
Công ty Địa ốc Alibaba và các công ty cùng hệ thống Alibaba tự lập dự án dân cư, phân lô trái pháp luật, tự đặt tên các dự án để kêu gọi, lừa ký hợp đồng bán đất bằng cách tạo ra giao dịch ảo để khách hàng tin tưởng các dự án đã có đủ tính pháp lý, đủ điều kiện chuyển nhượng…
Luyện còn cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền; thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng. Sau khi đến hạn, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Địa ốc Alibaba chào bán đều không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết.
Thực tế, toàn bộ các dự án do Nguyễn Thái Luyện điều hành, tự vẽ trái phép trên một diện tích đất nông nghiệp lớn. Đất này chưa được phép phân lô tách thửa, không phải đất thổ cư như Công ty Địa ốc Alibaba quảng cáo và thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Cũng theo cáo trạng, Nguyễn Thái Luyện và nhân viên dưới quyền chiếm đoạt hơn 2.264 tỷ đồng của 4.316 khách hàng.
Theo dự kiến, TAND TP.HCM sẽ mở phiên tòa xét xử vụ án lừa đảo, rửa tiền xảy ra tại Công ty Alibaba vào lúc 8h ngày 12/8/2022. Phiên tòa sẽ kéo dài 2 tháng tại TAND TP.HCM. Đây là vụ án “kỷ lục” về số lượng bị hại, số lượng bút lục hồ sơ, người liên quan. Trong đó, số lượng bị hại lên đến 4.361 người, khoảng 200 người được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Nguồn: Dân Việt