Nguyên nhân của tình trạng mất thanh khoản chủ yếu do những tồn đọng chưa được giải quyết triệt để (như pháp lý dự án, tiến độ thi công…). Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn cũng khiến thanh khoản gặp khó.
Thông tin trên được DKRA cho biết tại Báo cáo thị trường bất động sản Đà Nẵng và vùng phụ cận vừa được phát hành.
Theo đó, tại báo cáo trên, đề cập đến tình hình hoạt động của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng và vùng phụ cận trong quý đầu tiên của năm 2024, DKRA cho biết, thị trường gần như mất thanh khoản, không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Cụ thể, trong quý I vừa qua, phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng đón nhận nguồn cung sơ cấp tiếp tục xu hướng giảm, xấp xỉ 5% so với cùng kỳ và tập trung chủ yếu ở những dự án cũ.
3 tháng đầu năm, thị trường chỉ đón nhận nguồn cung sơ cấp tại 9 dự án (không có dự án mới) với 234 căn và không ghi nhận lượng tiêu thụ trong quý.
Mặt bằng giá bán sơ cấp không biến động so với cùng kỳ năm trước và vẫn neo ở mức cao. Tuy nhiên, các chính sách chia sẻ lợi nhuận/doanh thu, ân hạn nợ gốc, hỗ trợ lãi suất… vẫn tiếp tục được áp dụng rộng rãi nhằm tăng thanh khoản.
Tương tự, phân khúc nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng trong quý I vừa qua đón nhận nguồn cung sơ cấp ở mức thấp và chủ yếu đến từ dự án cũ.
Mặt bằng giá bán sơ cấp duy trì ổn định và không có nhiều biến động so với cùng kỳ, mức giá chào bán hiện tại dao động từ 7,1 – 16,3 tỷ đồng/căn. Riêng thị trường thứ cấp tiếp tục ảm đạm, không ghi nhận phát sinh giao dịch.
Đối với phân khúc Condotel, nguồn cung mới tăng nhẹ 2% với cùng kỳ lên 677 căn đến từ 8 dự án cũ. Quảng Nam và Đà Nẵng tiếp tục là những địa phương dẫn dắt thị trường khi chiếm đến 93% tổng nguồn cung sơ cấp trong quý. Sức cầu thị trường ở mức thấp, thanh khoản chững lại và không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý.
Theo DKRA, trong quý đầu tiên của năm nay, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Đà Nẵng và vùng phụ cận gần như mất thanh khoản, không ghi nhận phát sinh giao dịch trong quý nguyên nhân chủ yếu do những tồn đọng chưa được giải quyết triệt để (như pháp lý dự án, tiến độ thi công…). Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho là sản phẩm cao cấp giá trị lớn cũng khiến thanh khoản gặp khó.
Ngoài ra, niềm tin của khách hàng chưa quay trở lại, nhiều nhà đầu tư quay lưng với thị trường do lo ngại pháp lý và hiệu quả khai thác thu hồi lợi nhuận khi hoạt động kinh doanh du lịch vẫn còn nhiều khó khăn.
“Dự báo, xu hướng “đóng băng” vẫn sẽ tiếp tục tiếp diễn, cả nguồn cung và thanh khoản đều chưa thể phục hồi trong ngắn hạn và các chủ đầu tư thận trọng hơn trong việc triển khai bán hàng giữa bối cảnh thị trường trầm lắng như hiện nay.
Thanh khoản thị trường dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn và khó có những đột biến trong ngắn hạn khi nút thắt pháp lý chưa được tháo gỡ cũng như niềm tin của nhà đầu tư vẫn còn ở mức thấp”, báo cáo nêu.
Ý kiến bạn đọc (0)